Kiến Thức - Kỹ Năng

Phân biệt các loại bơ trong làm bánh và nấu ăn

13-09-2018

Bơ là một loại nguyên liệu quen thuộc trong làm bánh và nấu ăn. Các loại bơ cũng rất đa dạng và phong phú về đặc điểm, công dụng, cách sử dụng. Hôm nay, DVP Market sẽ chia sẻ với các bạn về các loại bơ cơ bản, cách phân loại bơ trong làm bánh, nấu ăn cũng như cách sử dụng và bảo quản bơ đúng cách. Nếu bạn muốn học làm bánh hoặc đang kinh doanh tiệm bánh, hay dùng bơ chế biến các món ăn, việc tìm hiểu những thông tin về các loại bơ sẽ giúp bạn có nhiều hiểu biết giúp việc làm bếp thuận lợi hơn.

Bơ là phiên âm của tiếng Pháp bắt nguồn từ: beurre, trong tiếng Anh là butter. Bơ thường có màu từ vàng nhạt đến gam màu vàng thẫm, cho đến màu gần như trắng sữa. Thành phần có trong bơ bao gồm nhiều nhất là chất béo, vì vậy được dùng trong làm bánh và nấu ăn để đem đến độ mềm, béo ngậy cho những chiếc bánh, món ăn. Mỗi loại bơ lại có đặc điểm, cách sử dụng khác nhau. Hãy cùng DVP Market tìm hiểu về các loại bơ này cũng như cách sử dụng và bảo quản như thế nào nhé.

Bơ lạt (Unsalted butter)

Bơ lạt là loại bơ không chứa muối, có hương thơm nhẹ và vị ngọt hơi nhạt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa canxi, men vi sinh, giàu vitamin A, D, protein, độ béo tương đối cao. Bơ lạt tốt cho sự phát triển của xương và hệ tiêu hóa, trong thành phần có chứa chất béo và giúp tăng hương vị và hấp dẫn cho nhiều loại bánh và món ăn.

Bơ lạt không ảnh hưởng đến vị của bánh

Bơ lạt không gây ảnh hưởng đến hương vị của bánh (Ảnh: Internet)

Bơ lạt được sử dụng nhiều trong làm bánh hay nấu ăn vì không có vị mặn, không gây ảnh hưởng đến hương vị của bánh hay món ăn nhưng vẫn tạo nên độ béo, thơm và dinh dưỡng cho những chiếc bánh. Bơ lạt phù hợp dùng trong những công thức làm bánh cần bơ hay những loại bánh không có quá nhiều yêu cầu đặc biệt như bánh su su, bánh kem. Bơ lạt cũng được sử dụng ăn kèm bánh mì và một số loại bánh khác, dùng chung với đường để chấm các món chiên nhạt.

Ngoài ra, bơ lạt cũng được dùng để chống dính cho chảo hay cho khuôn làm bánh. Bảo quản bơ nhạt tốt nhất là nên bọc kín bơ trong hộp, túi nilon và cho vào tủ lạnh, không để bơ dính với thực phẩm khác trong quá trình cắt hay sử dụng. Bơ lạt bảo quản lạnh có thể để được khoảng 3 tháng, nếu để ở ngăn đông thì có thể bảo quản được trên 6 tháng. Bơ lạt chỉ nên dùng trong 2 tuần sau khi mở bao bì. Bạn nên chọn những thương hiệu bơ lạt uy tín như Anchor (New Zealand), President (Pháp) để làm bánh và chế biến món ăn ngon nhất.

Bơ mặn (Salted butter)

Bơ mặn là bơ có cho thêm muối nên có vị mặn, hương thơm đặc trưng. Bơ mặn thường dùng trong các loại bánh mặn hoặc nấu ăn như món súp, xào cho thêm mùi vị hấp dẫn. Vì trong bơ đã có sẵn một lượng muối nên khi làm bánh và nấu ăn cần phải chú ý khi cho gia vị và cân bằng khẩu vị cho món để không bị mặn.

Bơ mặn Anchor

Bơ mặn Anchor (Ảnh: Internet)

Bơ mặn bảo quản được lâu hơn bơ lạt vì trong thành phần có muối. Để bảo quản bơ mặn tốt nhất, bạn nên bọc kín bơ lại và cho vào tủ lạnh. Bơ mặn có thời gian bảo quản khoảng 5 đến 6 tháng trong tủ lạnh. Bạn nên chọn các thương hiệu bơ mặn uy tín như Anchor, President để làm bánh hay nấu ăn ngon nhất.

Bơ động vật

Bơ động vật là sản phẩm được chế xuất từ sữa của những loại động vật có vú như bò, trâu, dê, cừu, lạc đà…, song thông thường là từ sữa bò. Các chất béo có trong sữa được bao bọc bởi một lớp màng giúp nó lơ lửng trong sữa. Do đó, người ta quấy trộn làm tan những lớp màng bao quanh để gom chất béo lại thành một khối đông tụ, đó chính là bơ. Bơ động vật có hàm lượng chất béo chiếm khoảng 80% thành phần, còn lại là nước, giàu calo, chứa nhiều khoáng chất như canxi, natri, sắt, magiê, phốt pho, kali và vitamin như A, D, E, B12, K2). Bơ động vật có màu vàng nhạt, mang mùi hương của sữa, dễ chịu, vị béo thơm ngon. Loại bơ này dùng trong công thức các loại bánh mang lại vị béo, thơm ngậy đặc trưng cho các món bánh. Có nhiều thương hiệu bơ động vật như Anchor, President, Sunflower bạn có thể lựa chọn để làm bánh của mình. s President, Sunflower.ident, Sunflower

Bơ thực vật (Margarine)

Bơ thực vật là bơ có nguồn gốc từ thực vật, được làm từ dầu thực vật của các loại hạt ngũ cốc, đậu nành, hướng dương… đã được hydro hóa. Quá trình hydro hoá giúp dầu thực vật nhũ hoá, nghĩa là chúng chuyển đổi từ chất lỏng sang trạng thái bán rắn. Bơ thực vật chứa 85% nước, 15% chất béo, hàm lượng chất béo thấp, không có cholesterol, chứa nhiều vitamin như vitamin B, vitamin K, vitamin E, vitamin C, kali và đồng. Bơ thực vật có màu vàng đậm hơn bơ động vật, lượng calo ít hơn, chất béo không bão hòa giúp giảm các cholesterol xấu. Bơ thực vật thường dùng trong nấu ăn, chiên rán, phết bánh chứ không dùng nhiều trong việc làm bánh vì một phần chất béo có lợi khi nướng trong nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa thành chất béo bão hòa. Các loại bơ thực vật phổ biến như bơ Tường An, bơ Meizan…

Bơ thực vật Meizan

Bơ thực vật Meizan (Ảnh: Internet)

Giống như các loại bơ động vật, bơ thực vật cũng giúp các món ăn thêm vị thơm, béo hấp dẫn. Vì có nguồn gốc từ thực vật, nên bơ thực vật tốt hơn cho người thừa cân, bị tim mạch. Tuy nhiên, không dùng quá 14g (khoảng 1 muỗng cà phê) bơ thực vật trong 1 ngày, vì trong bơ thực vật vẫn chứa các chất béo không bão hòa và chất béo chuyển hóa. Bơ thực vật càng rắn thì hàm lượng chất béo chuyển hóa càng cao, vì vậy bơ thực vật dạng hộp sẽ tốt hơn bơ thực vật dạng thỏi. Bạn có thể dùng dầu thực vật thay thế cho bơ thực vật khi có thể. Cần hạn chế nấu bơ thực vật ở nhiệt độ quá cao, không quá 150oC. Bơ thực vật có hạn sử dụng dài, bảo quản đơn giản ở nhiệt độ phòng.

Bơ đặc (concentrated butter)

Bơ đặc có hàm lượng chất béo cao

Bơ đặc có hàm lượng chất béo cao (Ảnh: Internet)

Bơ đặc được sử dụng trong nấu ăn, có hàm lượng chất béo cao hơn nhiều so với bơ thông thường. Chẳng hạn bạn có thể dùng 80g bơ đặc để đúng công thức trong khi đối với bơ thường bạn phải dùng 95g. Bơ đặc có thể bảo quản khoảng 3 tháng trong tủ lạnh.

Bơ khô

Bơ khô

Bơ khô được dùng để cán những loại bánh có nhiều lớp (Ảnh: Internet)

Bơ khô được xem là loại bơ có tỉ lệ chất béo khá cao, hàm lượng chất béo lên đến 82% tổng khối lượng bơ. Bơ khô được sử dụng để cán những loại bánh có nhiều lớp. Hàm lượng nước có trong bơ khô sẽ làm hình thành các sợi gluten ở giữa lớp bột và nước cũng sẽ ngấm vào bột giúp cho bánh không bị nở bung biến dạng trong quá trình nướng. Bơ khô cũng được dùng để làm một số loại bánh.

Mẹo chọn bơ

Tùy theo mục đích sử dụng, bạn có thể chọn bơ của những thương hiệu khác nhau. - Đối với các công thức làm kem bơ thì để kem có màu trắng đẹp và tự nhiên, nên chọn bơ President hoặc Anchor là sự lựa chọn tốt nhất vì chúng có màu trắng nhạt, không làm thay đổi màu sắc của kem bơ. - Đối với công thức làm bánh quy: Để món bánh quy làm ra nở xốp, giòn và thơm thì bạn nên chọn loại bơ President (Pháp), Anchor (New Zealand) - Để chống dính cho chảo, khuôn bánh... hoặc làm các loại bánh ngọt không cần nở xốp, thơm mùi bơ như nama chocolate, bánh muffin… thì bạn hãy chọn bơ Fieder (Úc). Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về các loại bơ thường được sử dụng trong làm bánh và nấu ăn.

DVP Market hy vọng với những chia sẻ này, bạn sẽ có thêm các kiến thức về các loại bơ, cách phân loại bơ cũng như chọn được các loại bơ phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Nếu bạn là một người nội trợ, người làm bánh, thường xuyên vào bếp chế biến các món bánh và món ăn, hãy lưu lại và ghé đến những siêu thị, cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh, nấu ăn uy tín để chọn được loại bơ chất lượng cho mình nhé.

Sản phẩm tương tự