Những viên bánh tròn bọc lớp đường trắng bé xíu bằng quả nhãn khi xưa là món quà bánh mà lũ trẻ như tôi thường ao ước mẹ mua mỗi lần đi chợ về. Cách làm bánh nhãn ăn không đủ no nhưng gấn ấn tượng thật đậm bởi vẻ đẹp bình dị, bột bánh mềm dẻo hòa cùng lớp vỏ giòn và chút đường ngọt lịm. Cả tuổi thơ như bỗng chốc ùa vẹn nguyên chỉ bằng một dĩa bánh nhãn.
Trước giờ tôi cứ nghĩ bánh nhãn chỉ duy nhất có ở quê tôi, lớn lên mới biết nó vốn là đặc sản của người Nam Định rồi lan truyền và bán rộng rãi ở nhiều nơi. Nguyên liệu làm bánh đơn giản chỉ có bột nếp, một chút đường, trứng gà và dầu ăn rồi trộn đều, đem vắt thành những viên nhỏ chiên trong chảo dầu lớn.
Cách làm bánh nhãn thực sự không khó nhưng yêu cầu cái tỉ mỉ, khéo léo của người làm để bánh ngon giòn mà không bị ỉu, bột bánh chín đều từ trong ra ngoài chứ không khô khốc, ăn cảm giác bị sượng. Chính từ những điều giản dị có phần thân thuộc ấy mà chiếc bánh nhãn đã trở thành một phần lí ức không thể quên với nhiều đứa trẻ như tôi.
Bánh nhãn vàng giòn phủ lớp đường ngọt lịm (Ảnh: Internet)
Ghé vào bất cứ khu chợ vùng quê nào, bạn cũng sẽ dễ dàng mua được các loại
bánh rán nhân đậu, bánh nhãn,… để thưởng thức cho thỏa cơn thèm. Thế nhưng, hãy một lần vào bếp cùng chúng tôi để học cách làm món bánh này bởi nó không hề quá khó và phúc tạp chút nào.
Cách làm bánh nhãn:
Nguyên liệu cần có:
- Bột nếp: 100gram
- Trứng gà: 2 quả
- Đường trắng: 20gram
- Dầu ăn
- Dụng cụ: phới lồng, âu trộn, dụng cụ lọc inox, chảo lòng sâu, đũa, thìa, hũ thủy tinh,…
Hướng dẫn cách làm bánh nhãn
Bước 1: Lấy trứng gà đập vào một chiếc tô rồi dùng đũa đánh đều cho trứng hòa quyện với nhau.
Bước 2: Dùng rây lọc inox để rây đường và bột nếp vào một chiếc âu lớn. Sau đó cho trứng gà vào hỗn hợp bột đường trộn thật đều. Dùng tay nhào bột thật mịn và dẻo, không bị vón cục và bột không dính vào tay là được. Để tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể dùng máy trộn bột để thực hiện công đoạn này.
Bước 3: Chia bột ra thành những phần nhỏ bằng nhau rồi viên thành viên hình tròn kích thước nhỏ bằng quả nhãn. Làm lần lượt cho đến khi hết.
Bước 4: Bật bếp, cho nhiều dầu ăn vào một chiếc chảo trũng rồi đun nóng. Dầu sôi thì cho từng viên bánh vào chiên vàng. Chú ý đảo đều tay để bột chín đều, vàng giòn. Bánh chín thì vớt ra để cho khô dầu và nguội bớt.
Bước 5: Cho một ít đường trắng và nước lọc vào chảo đảo đều đến khi thấy đường tan tạo hỗn hợp keo hơi dính có màu trắng thì cho toàn bộ bánh đã chiên vào đảo đều cho đường bám xung quanh. Gắp bánh ra để nguội rồi ăn.
Bánh nhãn là món quà quê ăn hoài không chán (Ảnh: Internet)
Lưu ý khi làm bánh nhãn
- Khi chiên bánh nhãn nên vặn lửa vừa phải để bánh chín đều từ trong ra ngoài và không bị nổ, vỡ trong quá trình chiên, đảm bảo độ giòn của vỏ bánh.
- Nên dùng chảo có lòng sâu để chiên bánh và chiên trong vòng 20 – 30 phút/mẻ bánh.
- Bánh nhãn làm ngon khi bề mặt vỏ vàng đều, bột không bị ướt, bánh có nguyên hình dáng và kích cỡ.
- Nên dùng giấy thấm dầu khi vớt bánh ra từ chảo để nhanh khô, không bị ỉu và vỏ bánh có độ giòn.
- Bột làm bánh nhãn nên dùng loại bột nếp ngon, sạch sẽ, có độ dẻo mịn cao và đặc biệt là không bị sâu mọt, không có tạp chất. Nếu không có bột gạo nếp nhà làm, có mua thể các gói bột nếp có sẵn tại siêu thị Đại Vạn Phát để làm bánh nhãn nhé.
Cách bảo quản bánh nhãn tại nhà
- Bánh sau khi đã được áo đường nên để nguội rồi đem đi cất để vỏ bánh cứng và giòn, không bị ỉu.
- Nên đựng bánh nhãn trong các hộp thủy tinh có nắp đậy để tránh bị chảy nước và mất đi độ giòn. Đồng thời tránh các loại kiến và côn trùng xâm nhập.
- Có thể bảo quản bánh nhãn trong tủ lạnh nhưng không nên để quá lâu sẽ làm cho bánh cứng hơn và khó ăn.
- Bảo quản bánh nhãn nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào hoặc nơi ẩm ướt.
Cách làm bánh nhãn không hề phức tạp, chỉ hơi mất một chút thời gian ở khâu vo bột bánh thành những viên tròn nhỏ. Bánh ăn ngon là món quà quê dung dị đầy tình cảm mà người đi xa luôn luôn nhớ về.